Menu

28 thg 1, 2014

Chuyện cuối năm ở phi trường Boston

Đường hoa Nguyễn Huệ. Photo: nguyenhuulongtri

(Viet Aviation) Trong cuộc đời mình chứng kiến bao cảnh người Việt ở các sân bay quốc tế Nhật, Hàn, Nga, Dubai và Mỹ, đã viết nhiều và hôm nay lại viết. Hy vọng những bạn đi nhiều có kinh nghiệm sẽ ra tay giúp đỡ đồng hương. Hy vọng các hãng hàng không Việt phối hợp với sân bay & các đơn vị phục vụ mặt đất tổ chức các buổi hướng dẫn giúp đỡ những người đi lần đầu.

>> Ghi chép ở Narita <<
>> Ký sự du xuân Thái Lan đầu năm Quý Tỵ <<

Chuyện hôm nay tường thuật trực tiếp từ sân bay Boston. Nhìn quầy check-in mình tưởng là dành cho hãng Fedex, UPS hay mấy hãng hàng không vận tải vì toàn hàng hoá là hàng hoá. Nhiều hành khách còn rất thông minh, dán băng dính phản quang xanh đỏ tím vàng lên kiện hàng để bảo đảm có thể thấy từ xa cách hàng cây số. Cả nhà từ già đến trẻ mặc bộ đồ thể thao Nike như là đội tuyển Mỹ.

Tại quầy check-in mình thấy có 2 vợ chồng già khoảng 50-60 đứng khóc lóc, mếu máo, cáu giận giằng xe hành lý, quát loạn tiếng Việt với nhân viên phục vụ. Nhân viên quầy vé cũng bất lực cố gắng giải thích bằng tiếng Anh nhưng hai cụ đáp lại bằng tiếng Việt. Mình thấy tội tiến lại và đề nghị giúp đỡ.

Nhân viên quầy vé & hai cụ mừng hơn bắt được vàng. Lúc đầu mình chỉ phiên dịch giúp nhưng sự việc ngày càng phức tạp. Các cụ cứ néo lấy mình như bám vào phao cứu sinh vậy. Hai cụ không biết tiếng Anh, mang theo khoảng hơn chục cái va ly hành lý các kiểu, chỉ có 2-3 cái lớn, còn đâu toàn ba lô, túi xách, cặp ca táp khoá số, túi máy tính laptop, v..v. Hàng không chỉ cho gửi 4 kiện/2 người, 2 xách tay. Còn lại phải gửi quá cước và tiền quá cước cả nghìn đô. Hai cụ khóc dở mếu dở van xin. Nhân viên hàng không không thể cho quá nhiều, làm sai luật.

Các cụ cứ đứng trước quầy xin xỏ và nhờ dịch giúp. Phía hàng không cố gắng từ chối và nhờ dịch giúp. Cả đống hành khách Việt đứng ngoài dỏng tai lắng nghe thích thú. Phía hàng không bảo các cụ cố dồn các túi vào với nhau, họ sẽ cho mỗi va ly quá cước một chút. Va ly mở ra toàn chổi cùn, dế rách, những đôi giầy cũ đã mòn vẹt đế, những món đồ chơi trẻ con cũng cũ, các cụ muốn mang về làm quà cho họ hàng ở quê nhà.

Hai cụ loay hoay vật vã với đống đồ. Cụ bà không xách nổi va ly. Mình thấy tội lại ra bảo: "Thôi Bác để con xách giúp cho không lại sụn lưng thì khổ". Phía hàng không nhờ các cụ ra chỗ trống phía ngoài để xếp đồ nhưng mình cũng phải thuyết phục các cụ mãi mới chịu vì các cụ sợ mất chỗ. Cụ ông không biết tiếng Anh nhưng mắng tiếng Việt xơi xơi. Mình lại giúp đỡ khuân đồ ra ngoài, rồi lại loay hoay quấn những bộ quần áo cũ cho gọn để xếp được nhiều nhất có thể theo kiểu xếp đồ của dân travel để tiết kiệm tiền cho các cụ.

Nhưng xếp đi xếp lại vẫn còn nhiều, mà cụ nhất định phải cầm cái ca táp khoá số. Còn đâu 6 cái ba lô và túi xách, các cụ lại không muốn trả tiền mà bản thân các cụ cũng không thể vác được ngần ấy lên. Hỏi làm sao các cụ vác được ngần ấy đồ ra sân bay thì các cụ nói con nó mang ra giúp. Hỏi thế con cụ đâu thì bảo bọn nó về đi làm rồi.

Mình thiệt chẳng biết nói sao. Lúc đó thấy chán đời, bỏ về làm thủ tục cho bản thân nhưng được lúc nhìn các cụ loay hoay thấy tội tội không đành lòng lại ra giúp. Lần này mình khuyên các cụ đi mua một cái túi to, hoặc thùng các tông rồi bỏ đồ trong các ba lô nhỏ vô đó thì sẽ chỉ mất tiền một kiện. Cụ bảo mua ở đâu? Mình tự nhiên lại phải đi hỏi chỗ rồi dắt đi mua giúp. Cuối cùng các cụ chỉ mất $200 tiền quá cước.

Trong suốt quá trình tôi tình nguyện làm việc đó, đám đông hành khách người Việt đứng thờ ơ nhưng lại lắng tai nghe chuyện gì diễn ra rồi quay lại bàn bạc với nhau tò mò thích thú. "Chắc ông bà đi lần đầu", " chắc mới ở Việt Nam qua", " chắc qua thăm co du học", .... Blah... Blah. Họ có thể không biết tiếng, không giúp phiên dịch được nhưng có thể phụ giúp tôi bê đồ mà. Trong lúc tôi giúp đỡ có bao người sau tôi đã tranh thủ vào làm thủ tục trước. Sang Mỹ sống bao năm mà vẫn giữ được tính thờ ơ, bàng quan vậy ư?

Còn các cụ và các con cụ sao không tìm hiểu trước. Chắc gì đồ cũ mang về cho họ hàng đã xài? Con cái sao bỏ mặc các cụ vậy. Mình giúp xong nhân viên hàng không cám ơn rối rít, còn các cụ tuyệt nhiên không biết nói câu Cám ơn. Mình không trách các cụ nhưng nhiều người Việt chúng ta không được dạy & không có thói quen nói : "làm ơn", "Cám ơn" và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người khác.

Nguồn: Steve Duy (Facebook)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét