Menu

10 thg 12, 2016

Lufthansa - ông lớn của hàng không thế giới

Lufthansa Airbus A380-800. Photo: Lufthansa.com

(Viet Aviation) Khi “miếng bánh” thị phần trong ngành hàng không thế giới ngày càng bị chia nhỏ thì việc hãng hàng không Đức Lufthansa luôn giữ được vị thế cao so với các đối thủ chắc chắn là điều không đơn giản.

Khởi đầu, Deutsche Lufthansa AG (gọi ngắn là Lufthansa) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai hãng hàng không Deutscher Aero Lloyd và Junkers Luftverkehr vào năm 1926 tại Berlin. Vận hành được một thời gian, Lufthansa đã buộc phải tạm “đóng cửa” vào năm 1945 sau Thế chiến II. Năm 1951, hãng bị giải thể.

Thời điểm chính thức đánh dấu sự hiện diện của Lufthansa ngày nay là ngày 6/1/1953, khi hãng này “quay trở lại”, lập trụ sở tại Cologne và khởi động thời kỳ kinh doanh không ít gập ghềnh nhưng cũng gặt hái được nhiều “trái ngọt” sau này.

Lufthansa hiện là hãng hàng không lớn nhất nước Đức. Tính cả 540 nhánh con mà nổi bật là hãng hàng không Austrian Airlines, Swiss International Airlines và Eurowings (trong đó có Germanwings), Lufthansa hiện sở hữu đội bay khủng hơn 600 máy bay.

Swiss International Airlines Airbus A320. Photo: Airbus.com

Lufthansa thực hiện hơn 1 triệu chuyến bay/năm. Mỗi ngày, hãng vận chuyển hơn 100.000 lượt hành khách. Lufthansa hiện được đánh giá là lớn nhất châu Âu (về cả lượng hành khách chuyên chở lẫn đội máy bay).

Lufthansa bắt đầu với việc cung cấp các dịch vụ bay trong châu Âu rồi sau đó dần mở rộng phạm vi sang châu Mỹ, châu Phi và vùng Viễn Đông... Ngay từ những năm đầu hoạt động, Lufthansa đã được biết đến với sự tiện nghi và dịch vụ chất lượng tốt nhất, đạt tiêu chuẩn "hạng nhất" đối với các lộ trình bay liên lục địa.

Một trong những “cú xóc” đáng kể đầu tiên mà Lufthansa gặp phải là cuộc khủng hoảng giá dầu (năm 1973-1979) đã khiến giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc Lufthansa “ngộ” ra cách thức quản lý nhiên liệu – yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động dài lâu của hãng sau này.

Chạy đua trong thời kỳ bùng nổ dịch vụ hàng không, Lufthansa sau đó cũng bắt đầu biết tự bảo vệ mình với việc tái thiết kế mạng lưới lộ trình bay với kết nối nhanh hơn và ít điểm dừng hơn.

Từ ngày đầu thành lập cho đến năm 1994, Lufthansa thuộc sở hữu nhà nước. Các tổ chức đầu tư sau đó bắt đầu thâu tóm dần cổ phần của hãng. Tính đến nay, con số trên vào khoảng 60%. Phần còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông cá nhân.

Ngành hàng không ngày càng phát triển. Không chỉ dừng lại ở việc các hãng đua nhau giảm giá vé, tăng chất lượng chuyến bay mà “mảnh đất” màu mỡ này nhiều năm trở lại đây còn xuất hiện thêm rất nhiều “tân binh” là các hãng hàng không giá rẻ.

Giữa bối cảnh đó, trong một động thái chưa từng có, năm ngoái, Lufthansa đã hợp tác cùng bốn “đồng minh” châu Âu khác triển khai một chương trình liên kết mới nhằm ngăn chặn tình trạng tăng phí sân bay để tạo ưu thế cạnh tranh với các đối thủ vùng Vịnh.

Liên minh này mang tên Hàng không châu Âu – A4E. Một bước đi tiếp theo của Lufthansa là hãng đã dần lên kế hoạch để mở đường bay mới tới Iran, mở cửa với thị trường đầy tiềm năng này sau khi Tehran được phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Austrian Airlines Boeing 777-200. Photo: Austrian.com

Lufthansa hiện không chỉ phải đối mặt với bài toán nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động để cạnh tranh với thị trường đang ngày một khốc liệt mà còn phải giải quyết các thách thức đến từ bên ngoài khó đoán định, chẳng hạn như an ninh châu Âu bất ổn do tình trạng di cư ồ ạt và tấn công khủng bố ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển của hành khách...

Hoạt động của hãng nhiều năm qua còn bị gián đoạn liên tiếp bởi các cuộc đình công biểu tình đòi tăng lương của đội ngũ nhân viên, tiếp viên và mới đây nhất là cuộc biểu tình của các phi công.

Nhưng không vì lẽ đó mà Lufthansa thôi lạc quan về triển vọng trong năm nay. Lufthansa dự đoán doanh thu trước lãi vay và thuế trong năm 2016 sẽ đạt xấp xỉ con số 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) của năm ngoái – năm lợi nhuận của hãng đạt mức cao kỷ lục.

Theo Bnews.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét