Menu

26 thg 3, 2013

Samsung Electronics và thị trường không vận Việt

(Viet Aviation) Nếu không có Samsung, Emirates không thể bay đến Hà Nội 2 chuyến/tuần vì sẽ lỗ nặng. 9 giờ tối một ngày cuối tháng 1.2013, anh Lục Vĩ Chí, Giám đốc bộ phận hàng hóa của Hãng hàng không Emirates đột ngột nhận được tin báo từ Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV). Khách hàng này yêu cầu máy bay quay trở lại Dubai hay phải neo máy bay tại Nội Bài thêm 1,5 ngày nữa vì quota xuất hàng trong tháng 1 cho SEV vừa hết.

Emirates Skycargo Boeing 777-200F

>> Chi phí tăng giá + giá vé giảm - hàng không lãi ít kỷ lục <<

Mặc dù yêu cầu này của SEV sẽ ít nhiều gây khó khăn cho Emirates vì phải thu xếp thủ tục nhập cảnh đột xuất cho phi hành đoàn, trả thêm phí neo đậu máy bay song Emirates vẫn tuân thủ.

“Với giá cước 1,7 USD/kg, cước vận chuyển là 170.000USD đủ bù đắp cho cả chặng bay từ Dubai đến Hà Nội với máy bay trống. Nếu không có SEV, Emirates không thể bay đến Hà Nội 2 chuyến/tuần vì sẽ lỗ nặng”, anh Chí Emirates nói.

Hơn 80% hàng xuất



Không chỉ có Emirates, nhà ga hàng hóa tại sân bay quốc tế Nội Bài những ngày này lúc nào cũng tấp nập sự hiện diện của các loại máy bay chuyên dụng chở hàng như Boeing 777F, Boeing 747-400F của các hãng hàng không quốc tế như Qatar Airways, China Airlines, Eva Air, Cargolux, Korean Air…Đặc biệt, hơn 80% lượng hàng xuất tại đây đều thuộc về SEV, nhà đầu tư nước ngoài đã đạt giá trị xuất khẩu tới 12,6 tỉ USD và chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012.

Cargolux Boeing 747-400F

Quyền lực của SEV còn thể hiện ở khâu thương lượng giá cước vận chuyển với các Hãng hàng không. Tùy chất lượng và thời gian trung chuyển hàng tại Dubai để đi tiếp đến châu Âu mà SEV được cung cấp các mức giá cước vận chuyển khác nhau. Đơn cử, trong khi giá của Emirates là 1,7-1,8USD/kg cho lô hàng từ 1 tấn từ Hà Nội đến London thì giá của các Hãng hàng không khác có thể giảm xuống tận 1,3 USD/kg. Quyền lực của SEV đã gây ra cuộc chiến thú vị về giá cước vận chuyển giữa các hãng hàng không. Nhưng tất cả đều hài lòng từ tổng doanh thu cước vận chuyển lên tới hàng chục triệu USD hàng năm từ SEV. Chính khách hàng này cũng giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho Nội Bài so với Tân Sơn Nhất vì Nội Bài nằm gần tỉnh Bắc Ninh, nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của SEV.

Qatar Airways Cargo Boeing 777-200F

Tầm ảnh hưởng của SEV đang ngày càng gia tăng khi tháng 11.2012, nhà đầu tư này đã được cấp phép cho giai đoạn 2 của nhà máy sản xuất các sản phẩm điện thoại di động và điện tử tại Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư từ 670 triệu USD lên 1,5 tỉ USD với mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu năm 2015 lên mức 20 tỉ USD.

Nền công nghiệp tuốc-nơ-vít

Với giá trị xuất khẩu hàng năm dẫn đầu khối FDI và tạo ra hơn 20.000 việc làm tại địa phương hiện nay, cái được mà SEV đang mang lại cho Việt Nam là rất lớn. Nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của SEV tại Bắc Ninh còn giúp củng cố vị thế cho Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn FDI khi Philippines và Indonesia ngày càng mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư quốc tế.

Etihad Crystal Cargo Boeing 777-200F

Mới đây, nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết đầu tháng 2 rồi, SEV đã ký hợp đồng thuê 100 ha đất tại Khu Công nghiệp Yên Bình để triển khai dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung. Đây là động thái tiếp theo sau khi SEV đề xuất với tỉnh về quy chế đơn vị 100% vốn nước ngoài hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất (tương tự như tại Bắc Ninh) để đầu tư nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao với vốn đầu tư dự kiến lên tới 4 tỉ USD. Khi dự án tại Thái Nguyên đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ trở thành trọng điểm sản xuất hàng xuất khẩu lớn nhất của Samsung trên toàn cầu về thiết bị cầm tay.

Tuy nhiên, nền công nghiệp Việt Nam chưa vì thế mà phát triển tương xứng. “Xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị gia tăng từ tỉ lệ nội địa hóa cũng chỉ từ 15-20%. Giống ngành công nghiệp ôtô, Việt Nam tiếp tục vướng cái vòng lẩn quẩn của chính mình và lại mất cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của SEV”, ông Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nói.

 Korean Air Cargo Boeing 747-400F

Thực tế cho thấy, không thể trách các doanh nghiệp FDI vì ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cứ mãi ì ạch trong nhiều thập niên qua do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến các đơn vị trong nước không đủ sức đáp ứng nhu cầu cung cấp linh kiện, vật tư đạt chất lượng cao từ các nhà đầu tư lớn như SEV.

Đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam năm 2012 cho thấy, do ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên các công ty nội địa thậm chí còn không thể đáp ứng nhu cầu lắp ráp trong nước. Với công việc lắp ráp giản đơn, năng suất lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử hiện chỉ chiếm bình quân từ 5-10% giá trị sản phẩm.

British Airways World Cargo Boeing 747-8F 

Thông tin từ SEV cho hay, hiện nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh cần tới 200 nhà cung cấp linh phụ kiện, nhưng các doanh nghiệp nội địa chỉ có thể cung cấp được những vật tư linh kiện đơn giản, hầu hết còn lại là từ các Công ty nước ngoài.

Hiện SEV phải nhập khẩu khoảng 70% linh kiện ngoại, còn tỉ lệ này đối với Fujitsu Việt Nam là 100%. Công ty Canon cũng chỉ tìm được một nhà cung cấp linh kiện Việt Nam dù đã khảo sát hơn 20 đơn vị sản xuất ốc vít trong nước nhưng không thể tìm được sản phẩm đạt yêu cầu. Chưa kể giá thành sản phẩm công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn đắt vì chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm khá cao do họ phải lệ thuộc gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cathay Pacific Cargo Boeing 747-8F

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, đơn vị liên doanh giữa Công ty Cổ phần TIE và Tập đoàn điện tử Samsung và cũng là người anh em của SEV cho rằng, với bất kì nhà sản xuất nào, nếu phải lựa chọn vật tư linh kiện từ 2 nhà cung cấp có chất lượng và giá ngang nhau thì dĩ nhiên nhà cung cấp nội được ưu tiên vì không phải mua bằng ngoại tệ, không phải làm thủ tục nhập khẩu. Khi nhà máy của Samsung phát triển, các đơn vị sản xuất hàng phụ trợ chắc chắn sẽ phải đi theo. Ông Đạo, Samsung Vina khẳng định, doanh nghiệp Việt vẫn còn chỗ, nhưng họ cần phải giải quyết ngay các vấn đề cơ bản như chất lượng sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm và giá bán trước khi bàn tới việc lớn hơn là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Giám đốc một công ty điện tử trong nước từng tâm sự: “Công nghiệp điện tử Việt Nam là công nghiệp tuốc-nơ-vít bởi các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể vặn ốc và thêm vài mũi hàn là hết”. Nếu thực trạng này tiếp tục tồn tại thì con đường phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước sẽ còn lắm chông gai. Khi ấy, dù SEV hay đại gia toàn cầu nào khác đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất của mình, tham vọng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ mãi nằm ngoài tầm tay của các doanh nghiệp trong nước.

Theo: Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét